Friday, July 8, 2016

MỘT ĐÊM HUYỀN HOẶC (Vi-Sơn)

Mỗi năm vào dịp Thanh Minh, Sang không sao quên được lần về thăm Việt Nam đầy ý nghĩa cách đây bốn năm. Hôm đó khi vợ chồng Sang vừa đặt chân xuống phi cảng Tân sơn nhất gia-đình anh chị Hai đã chờ sẵn. Sau thủ tục khám xét, lấy hành lý, tất cả lên chiếc xe van nhỏ do anh chị mướn để thẳng một mạch về quê ở Bình Dương.
Lần trước nữa, Sang từ Mỹ về thăm nhà hai tuần chỉ để đi thăm viếng anh chị, bà con, bạn bè ở đây rồi lên Sài gòn chơi và ba ngày tour Nha Trang. Lần này gia-đình hai chị em dự-định sẽ hốt xương cốt của cha mình để đem về chôn tại Bình-Dương, nơi chôn nhau cắt rốn cho gần-gũi tổ-tiên, ông bà và nhất là con cháu được tiện-lợi thăm viếng.
Đây là lần hai vợ chồng Sang và Hoa từ Mỹ vể thăm nhà và đặc-biệt lo việc cải táng phần mộ cha mình đang nằm trong nghĩa-trang quân-đội Biên-hoà . Hồi đó tin-tức báo-chí cho hay nghĩa-trang này có thể bị đổi tên thành nghĩa-trang dân-sự và giao cho ủy-ban nhân-dân tỉnh Bình-dương quản-trị để xoá sổ cuộc đời làm Sang quyết-định về VN thu-xếp cho xong nghĩa-vụ thiêng-liêng với cha lần cuối.
Cha Sang là một thượng-sĩ thuộc tiểu-đoàn 1, trung-đoàn 7, sư-đoàn 5 BB, quân-lực Việt-nam Cộng-hòa, đã tử trận năm 1963 trong một cuộc hành-quân vào mật khu Tam-giác sắt ở phía bắc Bến-cát. Ông để lại một vợ, hai con. Lúc đó má Sang đã gần 40 tuổi, gia-đình có vỏn-vẹn hai chị em : chị Hai và Sang.
Toàn, tài xế kiêm chủ xe chuyên chạy mướn ở xóm trên, đã xách chiếc van 12 chỗ ngồi tới đợi trước nhà từ sớm. Ba đứa con lớn của anh chị Hai : Hùng, Hải và Huỳnh mượn thêm xà-beng, cuốc, xẻng, thùng, ki và mấy cây rựa . . . chất hết lên sau xe cùng với mấy tấm bạt, chiếu nylon . . . Từ mờ sáng, tụi nó đã ra chợ mua thịt quay, bánh mì, bánh ngọt, trái cây, nhang đèn và nước ngọt cùng nước chai . . v. .v. . để đem theo cúng. Mọi người lên xe. Anh Hai ngồi trước, Sang, Hoa, chị Hai ngồi băng sau. Đám con cháu ngồi băng hai băng chót. Anh Hai hỏi lại lần chót :
  • Coi còn thiếu đồ nghề gì không mấy đứa bây ?
  • Chất lên hết rồi ba. Hùng trả lời.
  • Đồ ăn, nước uống đủ chưa Lan ? Chị Hai hỏi thêm.
  • Con kiểm lại đầy-đủ rồi má. Giọng Lan, vợ Hải đáp lại.
Xe nổ máy và bắt đầu lăn bánh chạy về hướng quận Dĩ-An. Sáng sớm đường xá tương-đối ít xe cộ, xe gắn máy nên cũng đỡ bụi khói. Còn sớm, nhiều hàng quán vẫn chưa chịu mở cửa. Khí-hậu còn mát-mẻ, chưa bị cái nắng gay-gắt hâm nóng. Bên đường, dòng sông Sài-gòn thân-yêu
lặng lờ dẫn nước từ sông Thị-Tính ở Dầu-Tiếng về phía nam. Sang quay hỏi vợ :
  • Em đưa số điện-thoại của vợ chồng Nhiều để thằng Hùng gọi dùm, xem tụi nó tới đâu rồi.
Hoa lục bóp lôi ra một tấm thiệp cũ :
  • Nè . . Hùng kêu số này dùm tao.
  • Dạ, mợ đưa con.
Hùng bấm số trên điện-thoại cầm tay của mình, rồi đưa cho Sang. Sau vài lần chuông reo, một giọng trả lời lớn nghe muốn bể tai :
  • Hello . . .
  • A lô , cho chú Sang nói chuyện với chú Nhiều được không ?
  • Dà . . . chú ơi, có ông Sang kêu nè.
  • Hello . . . Giọng Nhiều vang lên bên kia.
  • Tụi bay khỏe không, tới đâu rồi ?
  • Lai rai , còn hơi mệt vì chưa quen giờ giấc. Tụi tao cũng đang lên xe, sẽ thẳng đường từ Phú-nhuận đi đây. Đừng đợi nghe, ai tới trước làm trước, như hôm qua tụi mình đã bàn tính.
  • Ờ . . . vậy mình gặp sau.
Nhiều và Sang là bạn học cùng lớp từ VN. Hai vợ chồng Nhiều và Ngọc, cùng về kỳ này với vợ chồng Sang, nhưng ở khách-sạn Tân-Tiến cho gần nhà ông chú ở Phú-Nhuận. Cha Nhiều là trung-đội trưởng, trưởng đồn nghĩa-quân, đã mất trong một trận công đồn ở Gò-công vào một ngày cuối tháng 4 năm 1962 sau khi VC dùng chiến-thuật biển người tấn-công. Các anh em nghĩa-quân chống trả anh-dũng tới viên đạn và giọt máu cuối cùng trước khi địch quân tràn-ngập !
Sau khi cha mất, Nhiều và Sang vô học trường trung-học Văn-hóa Quân-Đội dành cho con em quân-nhân, cũng như phế-binh và tử-sĩ những năm đệ nhị cấp. Sau ngày đổi đời tháng tư năm 75, cả hai đều lận-đận hết mấy năm, rồi vượt biên và sang Mỹ. Họ cùng cư-ngụ ở nam Cali trên 10 năm. Sau mới tình-cờ kẻ trước, người sau dọn về Las Vegas và gặp lại. Lần này hai người bạn thân cũ cùng về VN để cùng lo cho mộ-phần cha ở nghĩa-trang quân-đội bằng hai cách khác nhau. Gia-đình Nhiều đã sang Mỹ hết rồi, chỉ còn ông chú họ ở Phú-nhuận, nên Nhiều vẫn muốn giữ và tu-bổ mộ-phần của cha lại cho đẹp hơn ở NTQĐ, dù cho thời cuộc thay-đổi thế nào. Khuynh-hướng của Nhiều tương-tự như một số thân-nhân khác, nghĩ rằng cha, ông đã chết đi như anh-hùng tử-sĩ thì xứng-đáng được giữ-gìn tại NTQĐ để đất nước ghi công. Còn Sang thì muốn cải mả, hố cốt cha về Bình-Dương cho gần gia-đình để con cháu lúc nào ra thăm viếng, đốt nhang khấn khứa cũng được. Nhà Sang có miếng đất từ đường khárộng dành làm nghĩa-trang gia-tộc. Từ đời cố đến ông bà, những người chết đều được chôn cất nơi đây nên chuyện dời mộ về đây là chuyện hợp-lý.


Chừng nửa tiếng sau, xe quẹo về hướng Dĩ-an, bọc qua suối Lồ-ồ để vô xa-lộ Biên-Hoà, rồi quẹo phải vô khu NTQĐ nằm ngay bên đường. Đây là khu đất rộng trên 160 mẫu đã chôn cất hơn 15 ngàn các anh-hùng, tử-sĩ của quân-đội miền Nam đã hy-sinh trong cuộc chiến tàn khốc trước 75. Vào nghĩa-trang cả bọn xúc-động thấy pho tượng Thương-Tiếc nằm ngả-nghiêng trên bệ vì những người say máu chiến-thắng cố ý …. giựt sập. Cổng tam-quan, đền tử-sĩ ngày xưa uy-nghi đẹp đẽ với khu đồi cao bề-thế phía trước nay tiêu-điều, hoang-phế. Cỏ cây hoang mọc vô trật-tự chung-quanh , bò trên mái ngói, chen lấn giữa các bậc thềm, lan ra lối đi !
Xe chạy sang bên hông để vô mé đằng sau, đảo một vòng quanh Nghĩa-Dũng đài. Đài này ngày xưa sừng sững uy-nghi cao vút nay hoang-tàn, thê-thảm ! Các khu chung-quanh, cây cỏ dại mọc um-tùm tra`n lan khắp các con đường nhỏ dẫn đến các khu chôn cất . Đa-số những nấm mồ chôn đơn-sơ bằng đất đã mất bia, hình-dạng vì không được chăm-sóc, thời gian đã soi mòn thảm-hại. Có những khu mộ chỉ còn độc một miếng xi-măng nằm xộc xệch, trơ trọi. Cái chổng lên cao, cái chìm sâu xuống vô trật-tự . Chỉ vài khu được sửa-sang, đầy-đủ bia đá với tên tuổi quét vôi trắng nằm thẳng hàng khang-trang, đẹp đẽ. Sau khi xe chạy chậm chậm được vài vòng, Sang bảo tài xế :
  • Thôi cho về khu mộ ba đi.
  • Vòng lại, đi về khu C2 đi Toàn. Chị Hai nói
Tới nơi, đã thấy vợ chồng Nhiều và Ngọc đang lúi-húi dọn dẹp . Tất cả xuống xe chào hỏi :
  • Ê . . . sao mày đi sau mà tới trước ? Sang hỏi.
  • Tao tới trước mày chút xíu, thấy cảnh mồ mả bỏ bê tang-thương buồn qúa. Tao chạy bọc chung-quanh thấy tụi nó nham-nhở lấn đất từ đằng kia để xây nhà cửa, làm vườn, đủ thứ . . . nhiều lắm. Lâu rồi báo-chí loan tin báo-động ngày xưa NTQĐ rộng tới khoảng 160 mẫu, bây giờ về đây thấy tận mắt, chỉ còn lại chừng một phần ba không phải là vô căn-cứ !
  • Tổ cha nó, . . . đúng là mất nước nhà tan, mất cửa, mất vợ , mất con và bây giờ mất cả thước đất để chôn người chết ! Sang văng tục một hồi cho hả giận, nuốt nước miếng xuống cổ và hạ giọng :
  • Thôi chuyện này để tính sau. Bây giờ bắt đầu lo làm việc đi.

Bọn con trai lấy cuốc, xẻng, đồ nghề . . . xuống. Đám phụ-nữ trải chiếu, khăn nylon lên mộ, rồi bày nhang đèn, bông hoa, đồ ăn, nước uống . . . chuẩn-bị cúng. Mộ của ba Sang nằm tại khu C2 với bia quét vôi trắng. Vì có ý-định sẽ bốc mộ nên không sửa sang, xây cất lên to lớn, chỉ có tấm xi-măng dày phủ bên trên thật đơn-giản. Chị Hai và ba cô con dâu : Lan, Loan, Liên đã sắp sẵn và bắt đầu cúng bái. Lần lượt từng người lại thắp nhang khấn-vái với hương-hồn cha và xin phép hôm nay sẽ dời hài cốt người về quê để chôn bên mộ má.Nhiều và Sang thấy công-việc dọn dẹp khá nhiều nên quyết-định mướn thêm chừng chục người lao-động, đứng lảng-vảng như chợ người ngoài trước vào phụ dọn-dẹp, nhổ cỏ , chặt cây cho mồ mả những người xấu-số nằm cùng khu nhưng không được coi sóc vì thân-nhân ở xa, đã ra ngoại-quốc hay nhiều lý-do khác . . . Đến chiều xẫm tối thì công-tác tạm xong. Những người làm thuê dọn cỏ, khai-quang được nguyên cả khu C3 . Nhiều sơn lại mộ bia, làm đẹp cả khu cha anh đang yên-nghỉ, còn Sang đào được hài cốt cha mình để đem về cải táng. Sau khi thanh-toán tiền công cho những người làm thuê, cả hai gia-đình kéo ra quán gần khu Suối Tiên ăn cơm tối. Sau một ngày lao-động thẳng tay, phần không quen làm việc nặng, ai cũng mệt nhoài và ăn uống sơ qua để còn về nhà nghỉ. Trước khi lên xe, Sang hỏi Nhiều :
  • Hôm nay ngoài chuyện hốt cốt ông già ra, tao thấy mình chỉ dọn sơ được chừng mười mấy ngôi mộ thôi. Tao định sẽ trở lại đây thêm hai ngày nữa để dọn thêm những ngôi mộ khác nữa vì còn qúa nhiều bị bỏ hoang ! Mày nghĩ sao ?
  • Đúng, tao cũng nghĩ thế, định đề-nghị thì mày lại nói ra trước. Hay là mai mày lo việc cải táng cho ông già mày xong, ngày mốt để mấy bả ở nhà đi shopping, chỉ hai thằng mình ra đây mướn thêm người phụ thôi.
Hoa nhăn mặt :
  • Không tụi em cũng muốn đi theo dọn dẹp thêm bữa nữa vì đây là lý-do chính mình bao năm mình mới về thăm nhà được để lo cho cha !
  • Em cũng nghĩ vậy, đi shopping lúc nào chả được. Cứ để tụi em đi theo đi. Ngọc thêm vô
  • Ờ . . . nếu thế thì tất cả cùng đi. Bây giờ bye bye, mai gặp.
Hôm sau, vợ chồng Nhiều đến nhà chị Hai ở Bình-dương để dự vào việc cải táng cho cha Sang. Việc chôn cất lần này diễn ra thật đơn-giản, dễ-dàng tại nghĩa-trang gia-tộc của gia-đình Sang với màn cúng thân-mật, chôn cất bộ xương chỉ còn là những mảnh vụn khó nhận dạng rồi tất cả cùng ngồi lại ăn uống.
Hai ngày kế, hai cặp vợ chồng Sang và Nhiều bao xe nhỏ của Toàn để trở lại NTQĐ. Hai người mướn thêm chừng hai chục nhân-công và bắt đầu dọn dẹp những khu-vực trông tệ-hại nhất, cùng đắp lại các nấm mộ hoang. Họ đánh, nhổ cỏ khô cháy, vàng úa, chặt những cây mọc hoang khắp nơi, quét lá khô, xúc đất đắp lại những ngôi mộ đã nát vụn, nham nhở bên trên chẳng còn gì là hình dạng. Thật buồn thê-thảm như nấm mồ hoang Nguyễn-Du đã tả trong truyện Kiều :
Sè sè nắm đất bên đường
Dầu dầu ngọn cỏ nửa vàng, nửa xanh”



Buổi chiều tối ngày cuối, cả bọn sửa-sang thêm được hơn chục ngôi mộ nữa. Sau khi thanh-toán tiền bạc cho nhân công, Sang hỏi Toàn :
  • Mấy hôm nay mình bận lo chuyện báo hiếu rồi. Hồi xưa ở gần Tân-Vạn có mấy quán thịt rừng, không biết bây giờ còn đó không ?
  • Ồ . . . chú ơi, bây giờ hết chiến-tranh, họ còn biến chế và có nhiều thú lạ, qúi để dân nhậu tha-hồ thưởng-thức, hơn cả hồi xưa nữa . Để cháu chở các cô chú lên quán Chẻo mới được. Thằng chủ chịu chơi và chiều khách như vàng đó !
  • Được lắm, hai bà ăn thử thịt “động-vật hoang-dã” nghe ? Nhiều cười hỏi.
  • Không ăn được thì tôi sẽ thủ ổ bánh mì thịt vậy. Hoa chen vào.
Từ NTQĐ tới khu nhà hàng bán thịt rừng cũng mất khoảng gần một giờ vì kẹt xe. Toàn đưa mọi người lại quán Chẻo. Chủ quán tiếp-đãi thực-khách thật lịch-sự với khăn lạnh, thực-đơn bình-thường heo, bò, gà, cá . . . và thực-đơn thịt hoang-dã như cọp, nai, rắn và cả thứ hiếm, lạ như cheo, khỉ, bẻo, kỳ-nhông, cá sấu . . . Sang, Nhiều và Toàn mỗi người làm một chai bia 33 và kêu nai, cọp xào lăn xúc bánh tráng nhâm-nhi.
Hoa và Ngọc uống Cô-ca và kêu vài món bò, heo xào cải và cơm trắng với lời hứa chỉ nếm chừng 1, 2 miếng thịt rừng thôi.
No say xong bữa tối, đồng-hồ chỉ gần 10 giờ đêm. Sau khi trả tiền, sửa-soạn ra xe thì Toàn bước vào nhăn-nhó :
  • Chết cha, bánh xe đằng trước bên trái ban rồi. Mấy cô chú chờ con thay chút nghe !
  • Ủa sao xui vậy ? Hoa thốt lên.
  • Chắc cán đinh rồi. Nhiều chép miệng.
Tất cả lại quay về cái bàn ngồi xuống.
  • Cho tụi này ngồi ké chút nghe.
  • Có sự cố hả ? Cứ thoải-mái. Ông chủ trả lời.
Sang chạy ra xem mình có giúp gì được Toàn trong việc thay bánh xe không. Toàn lấy bánh sơ-cua, con đội và cây quay trong thùng sau ra rồi hì-hục mở ốc thay bánh rất thành thuộc, miệng phân-trần :
  • Đường xá bên này nhiều khi ẩu-tả lắm chú ơi.
  • Cháu thường bị thế này không ?
  • Không thường, nhưng lâu lâu xe cũng bị ban nên quen rồi. Giá còn sớm cháu sẽ đi vá lại. Nhưng bây giờ khuya rồi để mai tính sau. Hy-vọng từ đây về nhà không sao hết . . .
Khoảng gần tiếng sau, Toàn làm xong hết mọi chuyện, cất đồ nghề. Mọi người lên xe.
  • Mấy giờ rồi anh. Ngọc hỏi.
  • Hơn 11 giờ đêm rồi. Từ đây về nhà đường vắng chắc chạy lẹ chừng hơn một giờ thôi. Phải không Toàn ? Nhiều đáp.
  • Dạ chắc khoảng đó thôi chú. Toàn trả-lời.
Xe vòng ra xa-lộ về ngược hướng cũ. Trời tối đen. Trên đường xe cộ thưa-thớt, lâu lâu mới thấy một chiếc. Cả bọn nói chuyện rầm-rì trong xe một hồi, rồi bắt đầu ngủ gà ngủ gật. Bỗng một tiếng “bốp” to lớn như tiếng pháo cối nổ Xe dằn mạnh, nghiêng hẳn về bên phải, chao qua, chao lại rồi đâm sa't vô lề ! Tiếng lạch-phạch như vật gì quật lẹ và mạnh xuống đường. Cuối cùng xe ca'n đá sỏi kêu rào rạo , xe chúi mũi về bên phải rồi ngừng ! Mọi người cùng bị xô mạnh, dồn cục về góc phải, hoảng-hốt choàng dậy. Hoa nắm tay Sang bóp mạnh :
- Trời . . .ơi . . . !
- Ui. . .da . .cái gì vậy ? Ngọc hét lên theo.
Toàn mở tung cửa xe chạy ra. Sang, Nhiều cũng theo ra. Toàn để đèn xe, đi kiểm-soát chung-quanh , giọng thất thanh :
  • Chết mẹ ! Tui nghe nổ lớn là đã nghi bể bánh xe rồi. Mụ nội nó bây giờ tới bánh trước bên phải bị ban ! Mấy cô, chú có sao không ? Giọng Toàn áy náy.
Hoa , Ngọc quay kiếng xe xuống hỏi :
- Bị gì vậy anh ?
  • Sao xui qúa vậy, mới xẹp bánh xe cách đây hơn một giờ ở Tân-vạn, bây giờ lại nổ bánh xe nữa. Sang lắc đầu.
  • May mà đường vắng không bị gì hết, chứ nổ bánh trước xe rất nguy-hiểm, có thể lật như chơi vì đang chạy nhanh ! Nhiều trấn-an.
Toàn mở thùng xe, lấy đèn bin rọi và lục-đục kiếm một hồi rồi phân-trần :
  • Bánh phòng-hờ mình đã xài rồi lúc nãy rồi. Bây giờ cũng qúa khuya, đâu có cây xăng hay tiệm sửa xe nào còn mở cửa !
Tất cả phân-vân, lo-lắng. Điệu này chắc phải ngủ đỡ trên xe đêm nay .
  • Trời ơi ! Anh nhìn kìa, ghê qúa ! Giọng Hoa sợ-hãi.
  • Oh my God ! Em cũng thấy mờ mờ luôn ! Giọng Ngọc lo-ngại.
  • Cái gì ?
  • Đâu ?
Sang và Nhiều cùng hỏi.
  • Anh không thấy bóng một người to lớn trong kia à !?
Định-thần và nhìn thật kỹ lại, Sang, Nhiều thấy cả bọn đã trở lại đúng ngay trước nghĩa-trang quân-đội. Pho tượng Thương-Tiếc khổng-lồ nằm in-lìm, ma quái trong bo'ng -de^m cách đó chừng mươi thước ! Cả bọn chợt rợn người vì sợ ma và nhớ lại những lời đồn hồi xưa vào đêm, pho-tượng người lính này đứng dậy đi xin cơm trong xóm, ra đón xe đò miền Đông vẫy tay xin qúa-giang, chuyện pho-tượng một lần vào Tết Mậu-thân đã linh-thiêng ra đứng giữa đường, báo tin cho một đơn-vị Thủy-quân Lục-chiến là địchđang phục-kích phía trước, và nhờ vậy quân ta đã đánh bọc và diệt gọn cả đơn-vị VC đang rình-rập . . v. .v. . .
Trong bóng tối mờ mờ, Nhiều và Sang chợt thấy thấp-thoáng có hai bóng người xúm lại đẩy pho-tượng từ thế nằm ngang ngồi thẳng lên vị-trí cũ với nón sắt trên đầu đang đăm-chiêu suy-tưởng, khẩu súng nằm ngang trên đùi ! Xong xuôi, hai bóng xanh ẩn-hiện, trôi nhẹ-nhàng như lướt trên mây về phía họ. Lúc này, Toàn đang ngồi trong xe lúi-húi tìm số điện-thoại để nhờ người quen đến giúp, hoàn-toàn không biết gì. Hoa và Ngọc sợ qúa, nhắm mắt, gục mặt vào đôi bàn tay, nằm dí xuống ghế xe. Sang và Nhiều dựng tóc gáy, mồ-hôi vã ra như tắm dù trời khuya mát lạnh . Người dựa vào chiếc xe, hai người sợ qúa không nói và nhúc-nhích được gì. Khi hai bóng mờ lại gần, hai người càng há hốc mồm ra vì khuôn mặ́t và vócdáng hơi quen quen như đã gặp ở đâu rồi :
  • Ồ . .phải ba . . không . . !?
  • Ủa . . bố . . .đây . . sao ?
Một bóng có gương mặt trắng-trẻo, điển-trai ngày xưa lúc Nhiều mới 12 tuổi, không thể nào quên được. Bóng kia có khuôn mặt với nước da bánh mật, cái cằm bạnh ra của ba Sang lúc anh khoảng gần 15 ! Hồn ma ông Nhân, bố Nhiều, chợt lên tiếng nhẹ như hơi sương :
  • Mẹ và các em ra sao Nhiều ?
Nhiều vừa run, rươm rướm nước mắt, vừa lí-nhí trong miệng :
  • Ba ơi , mẹ bây giờ già yếu và bệnh nhiều lắm. Các em đã nên người hết rồi. Cám ơn ba đã phù-hộ cho cả nhà.
Hồn ma ông Sảnh, bố Sang nói như gió thoảng :
  • Hai chị em ra sao, vẫn đùm bọc nhau hả Sang ?
  • Dạ ba chúng con vẫn lo cho nhau . Sang nước mắt ràn-rụa, nói không ra hơi .
  • Cám ơn các con mấy ngày nay lo-lắng “nhà cửa” dưới lòng đất cho ba và bạn bè. Ai cũng cảm-kích lắm nhưng không gặp để nói lời cám-ơn được.
Sang chợt nghĩ vá hỏi liền :
  • Con đã xin phép đưa nắm xương cốt còn lại của ba về cạnh với ông, bà ở quê mình có sao không ba ?
  • Con ơi, ba ở đây với bạn bè cũng được, mà về với ông bà cũng xong. Đi, về với ba như cơn gió thoảng, có gì mà lo xa-cách hay gần-gũi. Ông Sảnh trả-lời.
Đã bớt sợ, Nhiều hỏi gặng ba mình :
  • Ba . . . thế còn con giữ mồ mả của ba ở đây cho xứng đáng là anh-hùng, tử-sĩ của đất nước được không, tốt hay xấu ba hả ?
  • Cái đó tùy các con, tất cả những thứ đó là chuyện vấn vương, suy tưởng của dương-thế . Thế nào cũng được, bây giờ ba đã qua một kích-thưóc không-gian và thời-gian hoàn-toàn khác, chẳng ai bận-tâm đâu ! Nếu không giữ được thì hãy cố-gắng ghi chép và giữ-gìn vào sử để lưu lại cho con cháu sau này. Thôi ba phải đi , không nán lại nơi đây lâu được.
  • Ba ơi , ba đi mạnh giỏi ! Giọng Nhiều run run xúc-cảm.
  • Các con ở lại ! Giọng ông Sảnh thoảng nhẹ.
  • Ba đi bình-an nghe ba. Sang lấy tay quẹt nước mắt.
Nhiều và Sang thật xúc-động, bàng-hoàng ngỡ mình đang trong cơn mơ .

Sau một đêm ngủ ngồi trên xe chật hẹp như cá hộp, mờ sáng cả bọn đã mò qua quán cà-phê xéo bên khu Suối-Tiên chờ Toàn kêu xe ôm tìm vá bánh xe. Trời sáng dần, ánh dương bắt đầu rọi sáng vạn-vật. Pho tượng Thương-Tiếc vẫn nằm ngang trên bệ. Nghĩa-trang quân-đội Biên-Hoà im-lìm, vắng-lặng trong hoang-tàn, đổ nát. Trên đường giòng người, xe nhộn nhịp chen lấn nhau trong bụi khói.

1 comment:

  1. Chỉ có di dân VN thế hệ thứ nhất mới thông cảm và mủi lòng.
    Thế hệ thứ hai và sau nữa có lẽ chú tâm cho cuộc sống và ngưỡng vọng tương lai nhiều hơn là ngậm ngùi cho quá khứ.

    ReplyDelete